Bệnh Hẹp Góc Tiền Phòng Và Bệnh Cườm Nước Ác Tính

Tác giả: Bác Sĩ Nhãn Khoa Chánh Ngô
Unit # 22, 1300 Finch Ave West. Toronto, Ontario M3J 3K2.
Phone: 647-349-8899
Website: www.drcngo.com
Email: info@drcngo.com

Lời giới thiệu của người cầm bút:

5 giờ 08 phút chiều ngày 22 tháng 12 năm 2011. Mặc dù chỉ mới 5 giờ nhưng trời mùa đông đã tối mịt và thành phố đã lên đèn, lúc ấy tôi còn là một bác sĩ tập sự theo chân các bác sĩ đàn anh làm việc trực tại một phân khoa mắt ở một bệnh viện đa khoa trong thành phố cách thủ đô Luân Đôn Anh Quốc 500 dặm về hướng đông bắc. Mọi người dường như đã xong một ngày làm việc căng thẳng nên chuẩn bị đặt ống nghe và cởi áo blouse trắng ra để chuẩn bị thay ca ra về thì chuông điện thoại reo vang. Giọng người y tá bắt máy nói to: Xin bác sĩ trực nán lại, chúng ta sắp sửa có ca cấp cứu. Một chốc sau, chiếc băng ca đẩy một nữ bệnh nhân người gốc Châu Á nhỏ nhắn được đẩy vào phòng. Người nữ có lẽ trong cơn đau đớn và hoang mang cực độ nằm trên chiếc băng ca. Mồ hôi đầm đìa trên trán, hai môi mím chặt như cố nén cơn đau. Cô ta đưa mắt nhìn quanh phòng đến những người bác sĩ Anh Quốc xa lạ và cố mấp máy môi như muốn nói một điều gì nhưng giọng nói đứt quãng. Các bác sĩ và y tá đều không hiểu cô ta nói gì nhưng may mắn không ngờ là tôi hiện diện trong căn phòng ấy vì tôi nghe và hiểu được những lời kêu đau đớn của người nữ bệnh nhân này. Và vì người nữ bệnh nhân này là một người Việt Nam thuần túy. Hàng rào ngôn ngữ đã được thông suốt và các bác sĩ và y tá khẩn trương tiến hành cấp cứu để bảo vệ mắt của người nữ này.  

1) Hẹp góc tiền phòng là gì và tại sao nó nguy hiểm   Như đã viết trong bài trước, góc tiền phòng là nơi mà thủy dịch rút ra khỏi khoang ngoài của mắt. Nếu cấu tạo của góc tiền phòng bị khiếm khuyết hay quá hẹp thì thủy dịch không thể thoát ra khỏi khoang ngoài của mắt được. Lúc đó thủy dịch trong mắt không có lối thoát ra khỏi mắt nên sẽ làm cho nhãn áp của mắt gia tăng đột biến lên đến 60 mmHg (Nhãn áp cao nhất của một người bình thường chỉ có 21 mmHg mà thôi). Vậy khi nhãn áp ở trong mắt quá cao như vậy thì có nguy hiểm gì cho thị giác?   Khi nhãn áp tăng đột biến như thế nó sẽ tạo nên một lực đẩy cực lớn lên đĩa thị giác và gai thị làm cho các tế bào trên đó chết đi. Khi các tế bào trên giây thần kinh thị giác này chết đi, thì sự liên hợp giữa mắt và não bộ sẽ mất đi, và nói một cách nôm na là chúng ta bị mù. Chính vì thế, việc cấp bách bật nhất trong mọi ca cấp cứu khi nhãn áp gia tăng đột biến là làm hạ nhãn áp của quý vị xuống mức cho phép để duy trì sự sống của các tế bào của dây thần kinh thị giác trên gai thị. 

 Việc này có thể thực hiện bởi các loại thuốc nhỏ vô mắt, các loại thuốc uống hay qua đường truyền dịch với nước biển. Khi nhãn áp đã ổn định ở mức cho phép việc cấp bách kế tiếp là mổ bằng tia laser hay cắt bỏ một phần cơ thể mi, để thủy dịch có đường rút ra khỏi khoang ngoài của mắt.     Làm như vậy cũng là để tạo sự quân bình cho nhãn áp trong con mắt bệnh. Bước kế tiếp là sẽ giải phẩu con mắt còn lại. Đây là một biện pháp phòng ngừa vì khi một mắt đã bị cườm nước ác tính thì xác xuất mắt còn lại cũng sẽ bị cườm nước ác tính gần như là hoàn toàn 100%, vấn đề chỉ là thời gian mà thôi. Cuối cùng là việc theo dõi định kỳ của bác sĩ nhãn khoa, để bảo đảm những chổ đã mổ bằng tia laser vẫn còn thông suốt để thủy dịch rút ra ngoài. Trong trường hợp những vị trí đã bị mổ bằng tia laser qua năm tháng bị bít lại hoặc không còn thông suốt nữa, chúng tôi sẽ gửi quý vị lại bác sĩ chuyên khoa để dùng tia laser phá cơ thể mi để cho thủy dịch rút ra ngoài một lần nữa.

2) Dấu hiệu nguy hiểm cần chú ý:   Các dấu hiệu nguy hiểm sau đây mà mọi người cần chú ý (thứ tự của mổi triệu chứng không nhất thiết nói lên tầm quan trọng của nó).
a) Rất rất đau ở mắt;
b) Nôn mửa, nhức đầu;
c) Mắt mờ, nếu bạn nhìn vào giác mạc (phần ở trước tròng đen của mắt) bạn sẽ thấy nó màu mờ đục, không trong suốt như bình thường;
d) Đồng tử nở to hơn bên không bị bệnh;
e) Tròng trắng của mắt bệnh sẽ đỏ ngầu
f) Nếu bạn nhìn vào ánh đèn thì bạn sẽ thấy cồng vồng   điều rất quan trọng là bệnh này thường xảy ra vào ban đêm hay lúc chập choạng tối.   Tại vì lúc này cơ thể mi co lại để giúp mắt nhìn xa cho rõ, nhưng nó vô tình làm nghẹt hệ thống kênh Schlemm.  

3) Những ai có nguy cơ bị mắc bệnh này:
 
Phần lớn phụ nữ đặc biệt là phụ nữ Á Châu là những người hay mắc bệnh này nhất.   Lý do đơn giản nhất là phụ nữ đặc biệt là những người bị viển thị thì có nhiều nguy cơ bị bệnh nầy nhất vì mắt của họ nhỏ và góc tiền phòng rất nhỏ. Tuy nhiên, những trường hợp sau cũng có nhiều nguy cơ bị bệnh là:  

a) Những người đã có một lần bị chấn thương ở mắt. Vì sao?

Vì khi bị chấn thương thì cấu tạo của kênh Schlemm sẽ bị thay đổi lúc ấy kênh sẽ bị nghẹt và kém hiệu quả rút nước ra khỏi khoang ngoài của mắt.

b) Những ngưòi bị chứng bệnh về nhiễm trùng khoang trong và khoang ngoài của mắt (Uveitis) vì trong trường hợp này thủy dịch bên trong mắt đông đặc hơn lúc bình thường do sự hiện diện của các phân tử của chất đạm làm nghẹt kênh Schlemm.
 
c) Những người bị chứng màu phát tán ở trong khoang trước của mắt. Trong trường hợp này, các hạt màu nhỏ li ti phát tán ra từ thể mi ở lòng đen của mắt đi khắp nơi và để lại dấu hiệu rõ rệt nhất trên lớp bao phía trước của thủy tinh thể mà danh từ chuyên môn gọi là Krukenberg Spindle.   Trong trường hợp này, các hạt màu li ti này cũng có thể làm nghẽn hệ thống kênh Schemm.

d) Những người bị chứng mà chất vỏ ngoài của thủy tinh thể phát tán bên trong khoang ngoài của mắt(tiếng Anh gọi là Pseudo Exfoliation disease). Đây là một bệnh rất hiếm nhưng nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời thì hậu quả của cườm nước ác tính khó lường trước được vì lớp vỏ ngoài của thủy tinh thể phát tán vào kênh Schlemm và làm nghẽn hệ thống kênh này.  

Kết luận: Cườm nước ác tính là một bệnh tuy hiếm nhưng cực kỳ nguy hiểm cho thị giác của người bệnh. Cách phòng ngừa duy nhất là đi khám bác sĩ nhãn khoa để đo góc tiền phòng và nếu có các triệu chứng như tôi nói trên đây xin hãy đi cấp cứu ở một bệnh viện đa khoa gần nhất. Ở mổi bệnh viện đa khoa đều có bác sĩ chuyên khoa mắt trực để giải quyết các trường hợp này khi bộ phận cấp cứu yêu cầu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

 

© 2014-2017 Dr. Chanh Ngo. All rights reserved.