Bệnh Loạn Sắc Và Triệu Chứng Mù Màu

Tác giả: Bác Sĩ Nhãn Khoa Chánh Ngô
Unit # 22, 1300 Finch Ave West. Toronto, Ontario M3J 3K2.
Phone: 647-349-8899
Web: www.drcngo.com
Email: info@drcngo.com

1) Bệnh Loạn Sắc là gì?
Bệnh loạn sắc là loại bệnh mà người bệnh không nhìn được hay không phân giải được màu sắc một cách chính xác và rõ rệt. Hoặc là đôi khi họ vẫn nhìn thấy màu sắc nhưng những màu đó đã bị biến thể thành màu đậm hơn hay lạt hơn và không có chính xác và trung thực như màu nhìn với mắt người không bị bệnh.  

Trước khi nói đến mắt và màu sắc hãy nói đến cấu tạo của mắt và chức năng phân biệt và kết hợp màu sắc ở mắt.  Tất cả các chức năng này chỉ xảy ra ở điểm vàng là nơi duy nhất bên trong mắt tập hợp các tế bào hình nón. Chức năng duy nhất của các tế bào này là tiếp nhận và phân giải tất cả các màu sắc mà chúng ta thấy.  

Có 3 loại tế bào hình nón riêng biệt mà chúng tôi sẽ đi vào chi tiết của từng loại. Loại thứ nhất là loại tế bào hình nón tiếp nhận được các bước sóng dài, và nó có khả năng nhận diện được màu đỏ. Loại thứ hai là loại tế bào hình nón tiếp nhận được bước sóng trung bình và nó có khả năng nhận diện được màu xanh lá cây. Loại cuối cùng là loại tế bào hình nón tiếp nhận bước sóng ngắn và nó có khả năng nhận diện được màu xanh dương. Tỷ lệ phần trăm chính xác của từng loại tế bào hình nón này hiện giờ còn là một điều bí ẩn cho các nhà khoa học. Tuy nhiên các nhà khoa học tin rằng nếu tỷ lệ của các tế bào hình nón này không chuẩn thì sẽ dẫn đến hiện tượng loạn sắc.   Tất nhiên là chúng ta sẽ có 3 loại bệnh loạn sắc liên quan đến tỷ lệ của các tế bào này.

Loại loạn sắc một bệnh nhân không phân biệt được màu đỏ và xanh lá cây, loại thứ hai là loại loạn sắc không phân biệt được màu xanh dương và màu vàng. Loại thứ ba là loại loạn sắc hoàn toàn hay gọi là mù màu vì họ không thấy được bất kỳ một màu sắc nào hết. Và như vậy thì họ chỉ thấy màu trắng và đen mà thôi. Có nghĩa là những gì sáng thì đối với họ sẽ là màu trắng, và những gì màu sậm sẽ là màu đen vì mắt họ không phân giải được độ đậm lợt của màu sắc. Riêng loại loạn sắc một và hai được chia ra làm 2 nhóm nhỏ hơn tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh loạn sắc. Ví dụ như nếu tỷ lệ của tế bào loại một thấp thì người bệnh vẫn còn nhìn thấy màu đỏ nhưng nó không phải là màu đỏ tươi như mắt của một người bình thường nhìn nó mà nó có màu đỏ thẩm. Hay nói một cách nôm na là người bệnh vẫn thấy được một tí màu đỏ nhưng sắc màu đỏ này sẽ không trung thực lắm, có thể đậm hay lợt hơn màu đỏ chuẩn mà mắt người không có bệnh thấy. Lý do là vì bước sóng của màu đỏ đã bị chuyển sang một bước sóng khác. Lời giải thích tương tự sẽ được áp dụng cho những ai bị loạn sắc với màu xanh dương và màu vàng. Còn trong trường hợp mà mắt của người bệnh không có loại tế bào nón để tiếp nhận các bước sóng dài và bước sóng ngắn chẳng hạn thì người này sẽ không thể nào nhận diện được màu đỏ hoặc màu xanh da trời (tức là hơi nặng hơn trường hợp vừa rồi). Như vậy là họ sẽ bị mù màu tuy không hoàn toàn nhưng sẽ bị mù màu đỏ hoặc màu xanh da trời.  

2) Những ai có nhiều nguy cơ mắc chứng bệnh loạn sắc?   Vì loạn sắc mang yếu tố di truyền nên tất nhiên là những người có người thân như ông bà, cha mẹ, cô cậu dì bác vân vân tất nhiên sẽ có ảnh hưởng. Tuy vậy tính di truyền của nó chỉ nằm ở nhiểm sắc thể X mà thôi. Do đó người mẹ bị loạn sắc sẽ truyền cho tất cả các con của bà.   Những người con trai của bà mẹ này sẽ bộc phát dấu hiệu của loạn sắc rõ rệt nhất vì nhiễm sắc thể Y không mang gien để cho ta phân biệt màu sắc. Vậy nói một cách nôm na là nếu người mẹ bị loạn sắc thì sát xuất bị loạn sắc của những người con trai trong gia đình ấy là 100 phần trăm. Những người con gái thì vẫn bị gien loạn sắc truyền từ người mẹ sang, nhưng lại không có dấu hiệu loạn sắc bộc phát vì phải cần có luôn cả gien loạn sắc từ người cha nữa thì lúc ấy bệnh mới bộc phát.       Chính vì vậy mà tỷ lệ người nam bị loạn sắc rất cao sát xuất vào khoảng 7 đến 8 phần trăm dân số. Trong khi ấy nữ giới ít bị chứng loạn sắc hơn nam giới như đã trình bày nguyên nhân ở trên nên chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ khoảng 0.2 phần trăm dân số mà thôi.     Loạn sắc mang yếu tố di truyền thường hay ảnh hưởng đến khả năng nhận diện màu xanh lá cây và đỏ.   Một phần nhỏ nguyên nhân của bệnh là do chấn thương, hay do hóa chất hay do tác động của các độc tố làm ảnh hưởng lên mắt.  Trong trường hợp này loạn sắc sẽ ảnh hưởng đến khả năng nhận diện màu xanh dương và màu vàng.  

3) Bệnh loạn sắc có thể chửa trị được không? Như chúng tôi đã nói ở trên bệnh loạn sắc là do nguồn gốc di truyền nên không thể trị được.   Mức độ của bệnh sẽ không tăng hay giảm theo thời gian, tuy nhiên khi lúc về già do ảnh hưởng của cườm khô làm vàng đục thủy tinh thể, thì độ phân giải màu sắc của người bệnh sẽ còn tệ hơn.   Nói chung thì việc cảm nhận được màu sắc sẽ trở thành cực kỳ khó khăn.   Hiện giờ thì các nhà khoa học đang chế tạo để đưa vào sử dụng một loại kính áp tròng để đeo vào một mắt (còn được gọi là kính loạn sắc). Chức năng của loại kính áp tròng này là đưa độ phân giải màu sắc của người bệnh vào một bước sóng khác ngoài tầng sóng mà người bệnh bị khiếm khuyết để người bệnh có thể nhận định được một số ít các màu sắc. Sự hữu hiệu của cách chữa trị này vẫn còn là các vấn đề đang tranh cải thưa quý vị. Nếu nguyên nhân của loạn sắc là do hóa chất hay độc tố thì việc giảm thiểu các chất nguy hiểm này có thể tuy không trị dứt được bệnh nhưng có thể thuyên giảm được phần nào của chứng loạn sắc này.  

4) Bệnh loạn sắc sẽ ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của bạn   Mức độ trầm trọng của bệnh và ảnh hưởng của nó thay đổi và khác biệt ở từng người. Nhận diện màu sắc luôn luôn là vấn đề nan giải cho tất cả mọi bệnh nhân trong cuộc sống thường ngày. Ví dụ như mặc lộn áo quần, giầy, bít tất, nón và cà vạt luôn luôn là một vấn đề cho người bệnh. Ngay cả việc nấu nướng, ăn uống cũng rất khổ sở vì màu sắc của thịt sống và thịt đã nấu chín đều giống nhau, hay màu sắc của trái cây còn sống và đã chín cũng vậy nên họ không nhìn thấy được và phân biệt được như người bình thường. Chỉ khi bỏ thức ăn vô miệng thì hỡi ơi mới biết nó còn sống.     Nên nấu ăn theo giờ để đảm bảo độ chín của thức ăn thay vì theo trực giác của chúng ta. Ví dụ như thịt heo thì nấu trong 30 phút, thịt bò thì nấu trong 60 phút vân vân. Đặc biệt nên hỏi thăm những người chung quanh trên bàn ăn về các loại thức ăn mà bạn sắp sửa ăn để giảm thiểu rủi ro vì bạn bị mù màu.   Nên cẩn thận tối đa trong việc ăn uống đặc biệt là nếu bạn có dị ứng với thức ăn.

Người cầm bút đã chứng kiến một trường hợp hy hữu là cậu bạn thân học cùng lớp ở cấp phổ thông trung học bị mù màu và dị ứng rất nặng với rau má nhưng không ai biết hết. Hôm ấy các bạn ở trong lớp đi chơi và có ghé vào quán cà phê uống nước giải lao. Cô bạn gái của anh học sinh này vô quán kêu 3 ly nước rau má trước còn anh ta và người cầm bút mắc đi gửi xe rồi vô quán sau. Đang đi ngoài nắng thấy ly rau má mát lạnh nên tôi bưng uống cái ực. Cậu bạn thấy ly nước nhưng bị mù màu nên không phân biệt được màu xanh lá cây của chất rau má. Thấy đen nên cậu ta cứ tưởng là cà phê đá nên cũng bưng làm một cái ực như tôi. Nhưng chưa uống được khỏi cổ thì anh ta đã té xuống ghế và nôn ọe cả ruột gan ra ngoài vì bị dị ứng với rau má. Thiệt là một bài học nhớ đời cho tôi trước khi mời người khác ăn uống. Học hành, làm việc vân vân đều bị ảnh hưởng. Những ngành học cần nhiều đến phân biệt màu sắc như hội họa, sinh vật biển, sẽ trở nên rất khó khăn vì mắt của người bệnh không chuẩn về màu sắc. Những ngành nghề như cảnh sát, lính cứu hỏa, phi công, lái xe lửa vân vân đều cần những người có mắt tốt và không có bất kỳ một khiếm khuyết về loạn sắc nào cả. Chính vì vậy, những người mắc bệnh loạn sắc nên cần sự tư vấn giúp đỡ của một bác sĩ nhãn khoa khi còn nhỏ ở tuổi cấp sách đến trường để có hướng học tập thích hợp cho sự chọn lựa nghề nghiệp và học vấn.  

Kết luận: Bệnh loạn sắc chỉ ảnh hưởng khoảng 8 phần trăm dân số nhưng hậu quả và sự ảnh hưởng của nó lên đời sống của người bệnh vô cùng to lớn.   Nếu bạn có một thành viên trong gia đình bị chứng loạn sắc, nên đi khám mắt cho tất cả các thành viên còn lại và đặc biệt là cho nam giới vì khả năng mắc bệnh cao rất nhiều hơn nữ. Nên nhờ sự tư vấn của một bác sĩ nhãn khoa để có sự giúp đỡ cần thiết áp dụng cho cuộc sống hàng ngày cũng như chọn lựa học vấn và nghề nghiệp cho thích hợp với bệnh sử của mình. Xin hết.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

 

© 2014-2017 Dr. Chanh Ngo. All rights reserved.