Tác giả: Bác Sĩ Nhãn Khoa Chánh Ngô
Unit 22, 1300 Finch Ave West. Toronto, Ontario M3J 3K2.
Phone: 647-349-8899
Web: www.drcngo.com Email: info@drcngo.com
Lời giới thiệu của người cầm bút:
Trong cuộc sống quá bận rộn của đời sống vật chất của thế kỷ 21, hầu như bạn quá bận rộn với công ăn việc làm và gia đình, con cái đến nổi bạn không có thì giờ lo lắng cho sức khỏe bản thân. Rồi một ngày kia chuyện không may xảy ra là mắt bạn bị mờ và bạn cuối cùng tìm đến một bác sĩ nhãn khoa để mong được một đôi mắt kính để làm mắt bạn trở lại bình thường như xưa, nhưng đã quá trể….Mắt của bạn được chẩn đoán là mắc bệnh cườm nước đã phát triển nhanh và đã quá muộn để phòng ngừa, chữa trị và kiềm hãm tốc độ phát triển của bênh. Thế là bạn đành ngậm ngùi chấp nhận làm một người mù thầm lặng trong cuộc đời này. Và bạn luôn luôn nuối tiếc, giá như bạn đã quan tâm đến sức khỏe của đôi mắt của mình và đã đến gặp một bác sĩ mắt sớm hơn thì đâu đến nổi……Người cầm bút đã chứng kiến nhiều người bị mù lòa vì cườm nước mà lẽ ra không phải như thế nếu đã được phát hiện và chữa trị kịp thời. Ngày nay với trào lưu tiến bộ của tin học, quý vị chỉ cần đánh vào google hay wikipedia chử ”Glaucoma” thì tất cả thông tin đầy đủ và rất chi tiết về bệnh này sẽ hiện lên ngay trong iphone của bạn. Các thông tin này đủ để một người có chút ít hiểu biết sẽ tìm đến một bác sĩ mắt để kiểm tra sức khỏe đôi mắt của mình. Tuy nhiên vẫn còn quá nhiều người còn lơ là. Quý vị ơi xin đừng chậm trễ, vì một khi dấu hiệu mù lòa đã chớm thì không có cách gì để cứu vãn được nữa!
1. Cấu tạo của mắt. Nước ở đâu ra?
Cơ thể mi ở khoang ngoài của mắt có 2 loại tế bào. Một loại có màu sậm và 1 loại không màu. Nước được sản sinh qua quá trình bơm các phân tử Natri qua thành của cơ thể mi. Lượng nước được sản sinh liên tục từ khi chúng ta sanh ra cho đến khi chết đi. Nước này được gọi là thủy dịch, và nó mang các chất khoáng, chất đường, và các chất hữu cơ, cung cấp cho các tế bào trong khoang ngoài, phần trước của khoang trong và tế bào của giác mạc. Với thể tích sản sinh khoảng 0.25mL mổi một phút nên việc rút nước ra khỏi khoang ngoài của mắt là rất quan trọng, vì nếu nước không rút ra khỏi mắt kịp thời thì nó sẽ tạo thành áp suất lớn nên nhãn áp sẽ tăng lên. Lượng nước này được rút ra ngoài qua kênh Schlemn và sau đó tải vào các tế bào niêm mạc xung quanh thành ngoài của mắt.
2. Triệu chứng lâm sàng và các lọai bệnh cườm nước.
Ở giai đoạn đầu của bệnh thì không hề có bất cứ một triệu chứng lâm sàng nào rỏ rệt hết. Người bệnh vẫn nhìn, vẫn thấy tưởng như không có gì. Nhưng bệnh đã âm ỉ bộc phát ở bên trong trên gai thị. Đây là nơi mà giây thần kinh thị giác trở thành đĩa thị giác để đi vào tiếp giáp với võng mạc. Nhãn áp càng lớn thì áp lực đẩy lên gai thị càng cao, tạo nên chổ lõm ở trên mặt gai thị. Khi chỗ lõm quá sâu hay quá to, thì gai thị bắt đầu bị chết đi và sự liên hợp giữa mắt và não bộ không còn nữa. Quá trình này xảy ra trong vòng 10 năm trước khi bạn trở thành mù vĩnh viễn. Đây bắt đầu thời kỳ mà các dấu hiệu triệu chứng của bệnh rõ rệt nhất, bắt đầu từ cảm giác mắt mờ và sau đó là thị trường của bạn sẽ bị thu hẹp rõ rêt. Tầm quan sát của bạn sẽ rất hạn chế, bạn chỉ thấy được các vật thể trực diện trước mắt nhưng các vật thể xung quanh bạn sẽ không nhìn thấy được. Lúc này bạn sẽ được liệt kê vào loại người mù.
Cũng xin nhắc lại ở đây là có hai dạng cườm nước rất phổ biến. Loại thứ nhất chúng tôi đã nói khá chi tiết ở đây. Loại thứ hai là loại cườm nước nhãn áp thấp. Loại này thì rất khó chữa trị và khả năng chữa trị thành công rất thấp. Xin nói chính xác hơn ở đây là đối với các loại bệnh cườm nước việc chữa trị chỉ ngăn ngừa và kiềm hãm tốc độ phát triển không cho bệnh phát triển chứ chữa trị không có nghĩa là làm cho bệnh dứt hẳn. Vì vậy, việc chữa trị là vấn đề kiên trì về lâu về dài suốt cả cuộc đời của người bệnh, chứ không phải một ngày một giờ như mọi người thường nghĩ. Vì vậy việc nhỏ thuốc vào mắt sẽ liên tục đến suốt đời bạn và xin đừng tự ý ngưng nhỏ thuốc vì hậu quả không thể lường được.
3. Ai sẽ có nguy cơ mắc bệnh:
Sau đây là các nguyên nhân chính để gây ra bệnh cườm nước
a) Tính chất di truyền: Những người có người thân có quan hệ huyết thống như cha, mẹ, anh, chị, em đã bị bệnh cườm nước
b) Những người có nhãn áp quá cao
c) Những người có góc tiền phòng quá hẹp làm cho kênh Schlemm không thể mở ra được để nước thủy dịch rút ra khoang ngoài của mắt. Kênh này nằm sâu trong giác mạc ở vùng tiếp giáp giữa tròng đen và tròng trắng, và là nơi tải thủy dịch chính ra khỏi khoang ngoài của mắt.
d) Những người mắc bệnh tiểu đường
e) Những người có giác mạc rất mỏng
Ngoài ra còn có rất nhiều nguyên nhân khác mà trong khuôn khổ hạn hẹp của một bài báo chúng tôi không thể có đủ thì giờ để viết một cách tường tận.
f) Tuổi tác: Hầu hết những người cao tuổi trên 80 tuổi đều có dấu hiệu của bệnh cườm nước ở trên gai thị của họ.
4. Cách phòng ngừa và điều trị
Cách phòng ngừa duy nhất hiện nay là đi khám mắt đều đặn theo định kỳ. Ở mỗi một lần khám mắt, người bác sĩ nhãn khoa đều có thực hiện nội soi để kiểm tra cấu trúc của đĩa thị giác và gai thị của bạn. Nếu có dấu hiệu của bệnh cườm nước thì chúng tôi sẽ bắt đầu tiến hành điều trị ngay. Cách thức điều trị đa phần là nhỏ thuốc vào mắt hằng ngày liên tục suốt đời của bạn. Hiện tại có rất nhiều loại thuốc nhỏ mắt để chữa bệnh cườm nước, đa số làm giảm sự sản sinh của thủy dịch còn một số khác làm tăng số lượng thủy dịch rút ra ngoài theo kênh Schlemm. Trong phạm vi bài viết kỳ này, chúng tôi không có đủ thì giờ để đi vào chi tiết các cách thức trị liệu cũng như tính chất dược lý của từng loại thuốc. Hy vọng trong những bài viết tới nếu có thể được chúng tôi sẽ đề cập đến chủ đề này sau. Tuy nhiên trong một vài trường hợp khi thuốc không đem lại hiệu quả hữu hiệu thì bệnh nhân cần phải được mổ laser hay cắt bỏ một phần thể mi. Đây là một cách duy nhất để kết nối khoang trong và khoang ngoài của mắt, cũng như tạo cơ hội và vị trí cho thủy dịch rút ra khỏi mắt.
Kết luận: Bệnh cườm nước là loại bệnh tuy thầm lặng và không có một dấu hiệu nào nhưng hậu quả vô cùng nghiêm trọng và xác suất mù lòa vĩnh viễn là 100% nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời. Thị giác có lẽ là một tặng phẩm vô giá mà tạo hóa đã ban cho mỗi một con người chúng ta từ lúc chào đời ta nhìn thấy khuôn mặt thân yêu của mẹ hiền cho đến lúc nhắm mắt lìa đời. Nhiệm vụ của một người bác sĩ nhãn khoa trong xã hội là gìn giữ, duy trì và bảo vệ thị giác của quý vị trong suốt quãng đường đời của quý vị. Xin quý vị hiểu được tầm quan trọng này, vì một khi không quan tâm đến mắt và đã bị cườm nước thì dẫu có tiền muôn bạc vạn, quý vị cũng sẽ là người mù thầm lặng chống gậy dẫn chó đi giữa đời như mọi người mù vì tiền không mua được thị giác. Xin hết.