Các Loại Thuốc Nhỏ Mắt Bạn Nên Rất Cẩn Thận Khi Sử Dụng

Tác giả: Bác Sĩ Nhãn Khoa Chánh Ngô
Unit 22, 1300 Finch Ave West. Toronto, Ontario M3J 3K2.
Phone: 647-349-8899
Website: www.drcngo.com
Email: info@drcngo.com

Kính thưa quý vị, có rất nhiều người Việt chúng ta có các vấn đề về mắt. Một điều khá ngạc nhiên cho người cầm bút là có nhiều người dù không có vấn đề gì trầm trọng ở mắt vẫn tự ý mua thuốc nhỏ mắt và nhỏ vô tội vạ vào mắt. Vấn đề này không ít thì nhiều tạo ra rất nhiều rắc rối cho các vị bác sĩ trong quá trình điều trị cũng như hỗ trợ các chức năng hoạt động của mắt của bạn. Bài viết này nhằm cho bạn một khái niệm nhỏ về các loại thuốc nhỏ mắt và sự nguy hiểm của việc tự tiện mua thuốc nhỏ vào mắt mà không có bất kỳ một sự tư vấn nào của bác sĩ. Kính mong các quý vị đọc giả hết sức quan tâm, vì dù ít dù nhiều gì nó cũng làm đỡ nhức đầu cho các vị bác sĩ như người cầm bút. Cám ơn quý vị rất nhiều.

 

Loại 1: Các loại thuốc làm co mạch máu.

Như các bạn đã biết, phía bên dưới tròng trắng của quý vị là vô số các mạch máu nhỏ li ti được kết nối thành mạng lưới. Trong điều kiện bình thường, các mạch máu này có kích thước nhỏ bình thường rất li ti, nên mắt thường không thể nhìn thấy nó nên nói chung là chúng ta chỉ có thể nhìn thấy màu trắng của niêm mạc xung quanh lòng đen của mắt quý vị.

 

Vậy khi nào mắt mới đỏ: Trong trường hợp mắt bị nhiễm trùng, dị ứng hay chấn thương vân vân thì các mạch máu li ti này sẽ không còn ở kích thước bình thường mà nó sẽ giản nở ít nhất là vài lần lớn hơn so với kích thước lúc bình thường.

Vì các mạch máu giản nở kích thước một cách khá lớn như vậy nên ngay cả mắt thường cũng có thể nhận diện được các mạch máu này, vì nó đã quá lớn. Chính vì vậy mà chúng ta đoán được ngay là mắt của chúng ta bị đỏ ngầu.       Vấn đề này thì không thật nghiêm trọng lắm vì nếu để như vậy thì chỉ vài hôm sau khi mắt ổn định thì tất cả sẽ trở lại bình thường, và mắt sẽ thôi hết đỏ. Chuyện phát sinh khi một số người thấy mắt đỏ thì sợ và đến nhà thuốc tây tự ý mua các loại thuốc trị đỏ mắt mà không cần toa bác sĩ như Visine hay Naphcon-A chẳng hạn và tự ý nhỏ vào mắt. Thực chất các loại thuốc này làm co mạch máu lại và vì thế chúng ta thấy mắt hết đỏ, vì thế chúng ta cứ tưởng là chúng ta đã giải quyết xong vấn đề. Nhưng thực chất là chúng ta đã không giải quyết một tí vấn đề nào mà còn làm cho nó tệ hơn. Vì chỉ vài giờ đồng hồ sau khi thuốc hết tác dụng thì mắt của chúng ta sẽ đỏ ngầu trở lại.   Lần này có thể mạch máu giản nở to hơn lần rồi và vì thế chúng ta thấy sợ và lấy thuốc nhỏ tiếp vào.     Và cứ thế nó tạo thành một cái chu kỳ lập đi lập lại như một cái vòng lẩn quẩn không lối thoát: Mắt đỏ rồi nhỏ thuốc vào thì mắt hết đỏ trong chốc lát rồi mắt đỏ trở lại. Chu kỳ này lập đi lập lại năm này qua năm nọ và người bệnh lúc nào cũng có mắt đỏ ngầu mà không biết tại sao? Có người đã nhỏ liên tiếp hết chai thuốc này đến chai thuốc khác mà vẫn không khỏi. Một hôm bất chợt họ không thể chịu nổi nữa và tìm đến một bác sĩ nhãn khoa để nhờ được tư vấn. Việc đầu tiên là bác sĩ nhãn khoa sẽ ngừng các loại thuốc co mạch máu này lại ngay tức khắc. Trong thời gian đầu thì mắt sẽ rất rất đỏ vì không có thuốc làm co mạch máu lại.   Nhưng qua thời gian rất lâu sau, các mạch máu sẽ từ từ trở lại bình thường.

 

Loại 2:

Một loại thuốc khác mà có quá nhiều người lạm dụng mà nó gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng khác ví dụ như là loại thuốc trị dị ứng Cromolyn. Vì da số các loại thuốc nhỏ mắt để trị khô mắt thì các hãng bảo hiểm không có bao. Mà rất nhiều người thì không muốn trả tiền túi cho các loại thuốc nước mắt nhân tạo nên họ xin bác sĩ gia đình thuốc nhỏ mắt để trị mắt ngứa xốn và khó chịu vì các hãng bảo hiểm sẽ bao loại thuốc Cromolyn. Và cứ thế người ta sẽ nhỏ thuốc Cromolyn vô mắt thay thế cho thuốc trị khô mắt hay nước mắt nhân tạo. Đây là một sai lầm nghiêm trọng vì thuốc Cromolyn là để trị ngứa và dị ứng chứ không phải để trị khô mắt.   Sử dụng thuốc sai chức năng trong trường hợp này sẽ làm cho bạn bị lờn thuốc trị dị ứng. Và mai sau này nếu bạn bị dị ứng thực sự thì thuốc sẽ không còn tác dụng hữu hiệu nữa vì bạn đã lạm dụng nó quá nhiều trước đó. Đây là một cái rắc rối lớn cho các bác sĩ vì chúng ta chỉ có một vài loại thuốc trị dị ứng mà thôi. Và nếu bạn bị lờn thuốc do bị lạm dụng, thì chúng tôi rất bị hạn chế để có thuốc thích hợp và trị dị ứng cho bạn một cách hữu hiệu được.

 

Loại 3:

Cũng như loại thuốc trị dị ứng đã nói ở trên thì một loại thuốc khác cũng có rất nhiều vấn đề là các loại thuốc trị bệnh cườm nước glaucoma. Như quý vị đã biết bệnh cườm nước cần được chữa trị và nhỏ thuốc vào mắt suốt cuộc đời của bạn. Các loại thuốc trị cườm nước này có nguy cơ và khả năng bị lờn thuốc rất cao. Chính vì vậy việc sử dụng thuốc phải hết sức nghiêm ngặt và cẩn thận. Bạn phải sử dụng thuốc tuyệt đối tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ và dược sĩ. Tránh tự tiện dùng thuốc theo ý của bạn vì làm như vậy sẽ có khả năng bị lờn thuốc. Mà khi bị rơi vào trường hợp này là một rắc rối rất lớn vì chúng ta có quá ít thuốc để trị cườm nước mà nếu bạn bị lờn thuốc thì làm sao chúng tôi có thể làm giảm nhãn áp của bạn xuống được?

 

Loại 4:

Các loại thuốc chống sưng (steroid based medicine): Ví dụ tiêu biểu như Maxidex, tobradex, vân vân.   Các loại thuốc này được các bác sĩ cho bạn khi mí mắt của bạn có dấu hiệu sưng, nhiễm trùng và lở loét vân vân. Xin bạn nên rất hạn chế trong việc sử dụng loại thuốc này vì phản ứng phụ của loại thuốc này là làm cho đục thủy tinh thể và thế là nó sẽ tạo ra cườm khô có đôi khi phản ứng phụ này xảy ra rất nhanh. Có khi chỉ vài ngày sau khi dùng thuốc thì mắt của bạn đã bị mờ do cườm khô. Do đó nên hạn chế tối đa trong việc sử dụng loại thuốc này.   Chỉ nên dùng nó khi thật cần thiết dưới sự hướng dẫn và theo dõi chặt chẻ của bác sĩ.

 

Loại 5:

Các loại thuốc trụ sinh: Ví dụ tiêu biểu như Vigamox chẳng hạn. Bạn phải nên hết sức cẩn thận khi sử dụng các loại kháng sih này vì khả năng mất tác dụng của các kháng sinh rất cao nếu các loại vi khuẩn trở nên biến thái sang một dạng khác. Do đó, bạn chỉ nên dùng các loại thuốc này khi thật cần thiết, và nếu khi bắt đầu dùng thì phải dùng cho hết đừng có tự ý ngưng thuốc giữa chừng.   Ví dụ như nếu bác sĩ đã cho bạn nhỏ trụ sinh vào mắt trong vòng 7 ngày, thì bạn không được nhỏ 3 ngày rồi ngưng thuốc lại vì làm như vậy như chúng tôi đã trình bày sẽ tạo ra khả năng kháng thuốc của vi trùng.   Đây là một việc rất là rắc rối và nhức đầu cho các bác sĩ trong vấn đề trị liệu cho các bệnh nhân.

 

Kết luận: Đôi mắt là một bộ phận nhạy cảm nhất trong cơ thể và cũng là nơi bị lạm dụng nhiều nhất trong cơ thể của bạn. Bạn không nên tự tiện nhỏ vô tội vạ các loại thuốc vô mắt nếu không có sự tư vấn của bác sĩ hay dược sĩ.   Nên tuyệt đối tuân thủ các sự huớng dẫn về cách sử dụng thuốc của bác sĩ và dược sĩ vì làm như vậy sẽ tránh được cách trường hợp bị lờn thuốc.   Xin hết.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

 

© 2014-2017 Dr. Chanh Ngo. All rights reserved.